Tìm công nghệ tối ưu thu hồi năng lượng bùn thải |
Thu gom bùn thải bị phân tán
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, thành phố phát sinh lượng bùn thải các loại tổng cộng khoảng 3.000 - 4.000m³/ngày, tương đương 5.000 - 6.000 tấn/ngày. Cụ thể, bùn thải từ hệ thống cống rãnh 450.000 - 700.000 tấn/năm, bùn thải kênh rạch 2 - 3 triệu m³/năm; bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt từ 30 - 40 tấn/ngày, dự kiến tăng lên 500 tấn/ngày; bùn thải từ bể tự hoại 30 - 50 tấn/ngày. Đối với bùn nạo vét cống rãnh, kênh rạch sẽ do các công ty dịch vụ công ích, quận - huyện chịu trách nhiệm nạo vét, thu gom vận chuyển về bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Tuy nhiên, hiện nay bãi chôn lấp Đông Thạnh đã quá tải và phải đóng cửa; bùn từ các công trường xây dựng được chủ đầu tư công trình “liên hệ” với các đơn vị có nhu cầu san lấp hoặc đổ ở những khu đất trũng ngoại thành; trong khi đó, bùn từ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung lại do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị chịu trách nhiệm vận chuyển và xử lý. Tương tự, đối với bùn từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp, thì do chủ nguồn thải phát sinh chịu trách nhiệm quản lý, vận chuyển. Đối với loại bùn hầm cầu được thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng có tải trọng 3 - 5 tấn/xe, sẽ do các công ty dịch vụ công và dịch vụ môi trường tư nhân thực hiện, với mức phí dao động từ 800.000 - 1,2 triệu đồng/xe.
Khảo sát thực tế của Công ty Shiny Việt Nam cho thấy, lượng bùn thải trên địa bàn TPHCM ngày một tăng. Trong khi đó, các biện pháp xử lý bùn thải hiện nay là chưa triệt để, chưa đảm bảo an toàn về yếu tố môi trường và không đáp ứng được khối lượng bùn thải ngày một lớn của thành phố. Mặt khác, thành phố vẫn chưa có quy định về việc xử lý các loại bùn thải tại địa bàn cũng như chưa có một khu xử lý bùn thải nào hiện nay hoạt động một cách đúng nghĩa; các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tìm thấy được giải pháp nào khả thi để mạnh dạn thực hiện đầu tư.
Ưu tiên công nghệ xử lý thân thiện với môi trường
Liên quan đến vấn đề này, ông Ushida, đại diện Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) đã giới thiệu với TPHCM về công nghệ lên men mêtan bùn thải thu khí bioga để sử dụng làm nhiên liệu. Ưu điểm là chất cặn sau khi lên men có thể làm phân bón lỏng phục vụ cho các khu đất nông nghiệp. Theo ông Ushida, trong bùn thải có các loại chỉ số COD (ôxy hóa học), VS (thành phần hữu cơ), PP (photpho). Khi chỉ số COD tăng cao thì hàm lượng khí mêtan sẽ có khuynh hướng tăng lên. Dựa vào kết quả tính toán, cứ 1m³ bùn thải thì lượng khí gas mêtan phát ra là 7m³. Trong khi đó, hầu hết các mẫu bùn đã lấy có hàm lượng phốt pho trên 1mg/lít, cũng có những loại phốt pho có hàm lượng trên 10mg/lít rất thuận lợi cho việc sử dụng làm phân bón. Đại diện Công ty Shiny Việt Nam cũng cho biết, trước đây công ty đã giới thiệu cho thành phố về công nghệ ủ kỵ khí bùn thải để sản xuất bioga. Ưu điểm của công nghệ này là xử lý toàn bộ lượng bùn ùn ứ; hướng xử lý phù hợp với quy hoạch; tái chế sản phẩm từ bùn thải; đảm bảo tính kế thừa hệ thống và phát triển ổn định lâu dài.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, năng lượng từ bùn thải được đánh giá là rất lớn, song đến nay chúng ta vẫn chưa tận dụng được. Một mặt gây tình trạng ô nhiễm, mặt khác là sự lãng phí năng lượng vốn được nhiều nước tiên tiến đánh giá là có thể khai thác và tận dụng tối đa. Tìm kiếm giải pháp, công nghệ xử lý bùn thải được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong đó, thành phố chú trọng đến các công nghệ xử lý bùn thải phải thân thiện với môi trường, phải tái chế được các sản phẩm từ bùn thải để thu hồi năng lượng, làm phân compost.
Theo monre.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét