Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Nước sạch khu đô thị


Hệ thống bình chứa clo



Những khu dân cư ‘khát’ nước sạch giữa thủ đô
 
Trong ngôi nhà nằm sát sông Tô Lịch, ông Nguyễn Bằng, phố Định Công Thượng, cho biết, khi mới chuyển đến đây ông rất sợ phải dùng nước giếng, vì nước tanh, quần áo cứ giặt vài lần là ngả màu vàng. Gia đình ông phải mua bộ bình lọc gần 10 triệu đồng để lọc nước cho sinh hoạt, nấu nướng thì dùng nước đóng chai.
"Mỗi tháng gia đình tôi mất đến vài trăm nghìn để mua nước ăn, chưa biết bao giờ mới được dùng nước sạch của thành phố", ông Bằng than thở.
Dùng nước giếng khoan không đảm bảo nên phần lớn hộ dân tại phường Định Công phải tự trang bị bộ lọc trị giá từ 2 triệu đến 10 triệu đồng tùy theo công suất. Tuy nhiên, có một số hộ vẫn phải dùng bể lọc cát thủ công vì không có khả năng đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND phường Định Công, toàn phường có 42.000 dân song đến 30.000 dân phải dùng nước giếng khoan, chỉ có một số dân cư khu đô thị mới Định Công được dùng nước sạch từ trạm cấp nước do chủ đầu tư tự lắp đặt.
"Phần lớn người dân phải dùng hệ thống khoan thủ công và lọc cát thô sơ không đảm bảo cho sức khỏe. UBND phường đã nhiều lần kiến nghị quận và thành phố đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước song vẫn chưa thấy đâu", ông Tiến cho biết.
Đồng cảnh ngộ, nhiều hộ dân các phường Hoàng Liệt, Đại Kim, Thanh Liệt cũng vẫn dùng nước giếng khoan mặc dù nước ngầm khu vực phía nam thành phố bị coi là ô nhiễm nhất với nồng độ amoni, sắt ở mức cao. Nhiều nơi đã được lắp đặt trạm cấp nước mini của chương trình cấp nước nông thôn trước đây, song công suất cấp nước từ các trạm này vẫn không đáp ứng nhu cầu, khi dân số gia tăng. Nhiều hộ dân phải dùng giếng khoan song song với nguồn nước sạch từ trạm mini.
Tại cụm dân cư Bằng A, Bằng B phường Hoàng Liệt, mùa hè đến, người dân lại khốn khổ về ttình trạng thiếu nước sạch. Hộ bà Lưu Thị Dung, cụm Bằng B, ở cuối nguồn nên không được hưởng nước sạch từ trạm cấp nước mini. Gia đình phải dùng qua bộ lọc nước. Nước khoan được lọc bằng bể cát rồi tới bể lọc than hoạt tính, qua một bình lọc hiện đại của nước ngoài, gia đình bà mới tạm yên tâm sử dụng cho sinh hoạt.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Anh Việt, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco), cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu công ty đầu tư mạng lưới cấp nước cho các phường Hoàng Liệt, Định Công, Thanh Liệt, Đại Kim song vẫn chưa thể đầu tư do công ty thiếu vốn. Tổng vốn sẽ phải vay ngân hàng để đầu tư mạng lưới là trên 100 tỷ đồng, riêng phường Định Công là 41 tỷ đồng. Với giá nước hiện nay, mỗi tháng công ty này đang lỗ 7 tỷ đồng khi cung cấp nước trên các địa bàn phía tây và tây nam thành phố nên rất khó được vay tiếp.
Theo ông Việt, người dân cần kết hợp với doanh nghiệp cùng đầu tư thì mới nhanh chóng lắp được đường ống nước, doanh nghiệp đầu tư trục chính còn người dân lắp đặt đồng hồ, đường ống dẫn vào nhà (chi phí gần 2 triệu đồng). Đơn vị này đã cấp nước cho 800 hộ dân trong số hơn 10.000 dân phường Định Công theo phương thức này. Tuy nhiên, nhiều hộ dân khác vẫn chờ đợi doanh nghiệp tự đầu tư hoàn toàn nên khó triển khai.
"Chúng tôi mong thành phố Hà Nội cho phép tăng giá nước để tăng tiền đầu tư mạng lưới cấp nước cho nhiều khu vực dân cư trên địa bàn thành phố", ông Việt bày tỏ.
Sau khi mở rộng, chỉ 38% dân cư thủ đô được cấp nước sạch, trong đó, 5 huyện ngoại thành đạt 15%, 8 huyện Hà Tây cũ và huyện Mê Linh được cấp 1%. Công suất cấp trên toàn thành phố là 662.000 - 730.000 mỗi m3 một ngày đêm.
Theo kiến nghị của liên ngành Tài chính, Xây dựng Hà Nội, tăng giá nước sạch sắp tới một phần để giảm bù lỗ cho doanh nghiệp và có tiền đầu tư mạng lưới cấp nước mới.
Đoàn Loan
Theo vnexpress.net
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét