Theo Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, nước sông Nhuệ đoạn chảy qua địa phận xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đang bị ô nhiễm trên mức báo động cấp 3 theo quy định bảo vệ môi trường của tỉnh.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm nhanh của trung tâm cho thấy nồng độ amoni trong nước sông là 21,5 mg/l-N, vượt 215 lần mức cho phép, ôxy hòa tan là 1,1 mg/l, nhỏ hơn 5,5 lần giới hạn cho phép loại A theo Quy chuẩn Việt Nam 08:2008/BTNMT.
Nguyên nhân gây ô nhiễm là nước từ thượng nguồn đổ về sau trận mưa lớn tại Hà Nội trước đó. Đây là lần thứ 4 trong năm nay phía thượng nguồn xả nước về hạ lưu.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường, việc lấy mẫu xét nghiệm nước sông Nhuệ và sông Đáy chảy qua địa phận tỉnh được cán bộ trung tâm tiến hành thường xuyên. Kết quả xét nghiệm được trung tâm tổng hợp và gửi đến các cơ quan chức năng, các địa phương, giúp các đơn vị nắm bắt được tình hình và có phương án đối phó.
Đợt lấy mẫu này của trung tâm được tiến hành vào ngày 6/6, đúng thời điểm nước sông trở nên đen ngòm và bốc mùi tanh hôi, cá chết hàng loạt ở khu vực xung quanh cầu Nhật Tựu. Trong thời gian tới, Trạm quản lý đập Nhật Tựu thông báo sẽ mở đập. Khi đó, nước sông Nhuệ đoạn sau đập, sông Đáy, sông Duy Tiên và Châu Giang sẽ bị ô nhiễm theo và có khả năng kéo dài.
Còn theo người dân địa phương, năm nào họ cũng chứng kiến 7-8 lần nước sông chuyển màu đen, có mùi hôi thối và gây chết cá. Tuy nhiên, lần này là một trong những lần ô nhiễm và khiến cá chết nhiều nhất. Cá chết nổi kín mặt nước khu vực chân cầu Nhật Tựu. Lúc đầu, người dân còn vớt cá mang về ăn, sau đó thấy cá chết nhiều quá, người dân đã không dám dùng làm thực phẩm.
Cũng theo người dân địa phương, việc nước từ thượng nguồn chảy về làm ô nhiễm hạ lưu sông Nhuệ khu vực tỉnh Hà Nam xảy ra từ nhiều năm nay. Nhiều lần nước xả về trùng vào thời điểm các địa phương trong tỉnh tích nước làm đất để cấy lúa. Nước sông ô nhiễm theo hệ thống mương máng đổ vào các cánh đồng, trở thành nguồn nước cho các loại cây trồng như cây lúa và hoa màu khác.
Nguồn nước như vậy ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng hoa màu cũng như sức khỏe, đời sống người dân vùng hạ lưu sông Nhuệ.
Theo TTXVN, 10/06/20
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét