Đó là kết luận của nhóm nghiên cứu đề tài “Đề xuất các giải pháp tổng thể và khả thi bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn đảm bảo an toàn cho cấp nước TP.HCM” do GS-TS Lâm Minh Triết (Viện Nước và công nghệ môi trường) làm chủ nhiệm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hằng ngày người dân trên lưu vực sông Sài Gòn đang tiếp tục “đầu độc” nguồn nước thông qua các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt.
Trong nhiều hội thảo về ô nhiễm sông Sài Gòn trước đây, ông Bùi Thanh Giang - giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp - báo động nồng độ amoniac trên sông Sài Gòn “nhảy múa”, có thời điểm lên đến 1,2mg/lít khiến quy trình công nghệ xử lý của nhà máy quá tải. Nhà máy đã nghiên cứu cải tiến quy trình bằng cách lắp đặt thêm nhiều máy châm clo mới xử lý nước đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Amoniac vượt 20 lần
Tuy nhiên, kết quả công bố của Viện Nước và công nghệ môi trường tiếp tục làm những đơn vị xử lý nước giật mình - hàm lượng amoniac trong nguồn nước sông Sài Gòn không hề có dấu hiệu giảm và biến động theo từng khu vực. Có thời điểm nồng độ amoniac vượt tiêu chuẩn hơn 20 lần (tiêu chuẩn cho phép 0,05mg/lít). Theo nhóm nghiên cứu, amoniac tăng do nước từ rạch Bà Cô, rạch Bà Bếp, rạch Tra và sông Vàm Thuật gần khu vực Nhà máy nước Tân Hiệp thải ra. Cụ thể nguồn thải từ trại heo Tân Trung (Củ Chi) với tải lượng ô nhiễm 1,25kg amoniac/ngày đêm. Từ rạch Bà Bếp cũng thải gần 16kg amoniac/ngày đêm.
Ông Bùi Thanh Giang nói Nhà máy nước Tân Hiệp đã gắn thêm sáu máy châm clo với công suất 40kg/giờ và sẽ lắp đặt thêm hai máy công suất 60kg/giờ để chuẩn bị “đối phó” khi nguồn nước sông Sài Gòn tiếp tục ô nhiễm. Nhưng việc lắp thêm các máy châm clo sẽ xử lý được mức độ ô nhiễm amoniac tới đâu? Ông Giang không cho biết cụ thể mà nói: “Chắc trong vài năm. Nhưng nếu ô nhiễm kim loại nặng thì bó tay”. Ngoài amoniac, hàm lượng mangan trong năm cũng không giảm so với năm 2007, có thời điểm hàm lượng mangan cao kéo dài nhiều ngày hơn. Theo nhóm nghiên cứu, hàm lượng mangan trong nước sông Sài Gòn hiện vượt tiêu chuẩn gần 12 lần.
“Điểm nóng” gây ô nhiễm
Lập danh sách đen
Nhóm khảo sát cho rằng để bảo vệ được nguồn nước sông Sài Gòn phải mất một thời gian dài, tốn kém kinh phí. Vì vậy, trước mắt các cơ quan hữu quan cần điều tra, khảo sát, thống kê các nguồn thải ra sông Sài Gòn trên địa bàn Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM; lập danh sách đen các cơ sở gây ô nhiễm để xử lý triệt để.
Mặt khác, không cấp phép đầu tư cho các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao trong khu vực có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước, tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm về xả thải ra nguồn nước…
|
Dọc theo sông Thị Tính, tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả như: Công ty giấy Công Thành, Công ty cao su Phương Nam, Công ty cao su Bình Phú...
Theo tính toán, tổng tải lượng nước thải ô nhiễm từ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất thải vào sông Sài Gòn hơn 81.500m3/ngày (trong đó tỉnh Bình Dương “đóng góp” hơn 54.700m3/ngày). Riêng lượng nước thải sinh hoạt của Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM thải ra sông Sài Gòn gần 1 triệu m3/ngày đêm.
Hai phương án
Trước tình trạng ô nhiễm amoniac, mangan, chất hữu cơ...ngày càng nghiêm trọng, ngoài việc lắp thêm thiết bị châm clo, Nhà máy nước Tân Hiệp đang nghiên cứu quy trình cải tiến công nghệ mới để xử lý chất lượng nước đạt tiêu chuẩn . Theo ước tính, tổng chi phí để cải tiến quy trình xử lý của nhà máy “ngốn” thêm hơn 230 tỉ đồng. Ngoài tốn tiền cho việc xây dựng, chi phí để xử lý nước tăng thêm ít nhất 456 đồng/m3. Với công suất 300.000m3/ngày, mỗi năm nhà máy sẽ tốn thêm gần 50 tỉ đồng cho việc xử lý nguồn nước gây ô nhiễm.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra hai phương án. Phương án 1 theo hướng xử lý mà Nhà máy nước Tân Hiệp đưa ra. Phương án 2 là dời điểm lấy nước từ huyện Củ Chi (TP.HCM) lên hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) với kinh phí 7.360 tỉ đồng. Theo phương án này, ngoài tốn số tiền khổng lồ cho công tác đầu tư xây dựng thì người dân cũng phải trả thêm tiền xử lý nước và tổn thất. Tuy nhiên nguồn nước được đảm bảo và ổn định lâu dài.
Nhiều người cho rằng vấn đề cốt lõi làm sao phải bảo vệ được nguồn nước sông Sài Gòn chứ không nên “ô nhiễm chỗ này thì chạy chỗ khác”. Bởi nguồn nước sông Sài Gòn không chỉ phục vụ nhu cầu cấp nước mà còn phục vụ các nhiệm vụ khác, trong đó có vấn đề về môi trường.
theo tuoitre.vn
http://thietbicapthoatnuoc.com/tin-tuc/201-may-ep-bun-bng-ti-nbd-b175.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét